Vấn đề lắp đặt máy lạnh trong trường học

Vấn đề lắp đặt máy lạnh trong trường học

Bà Vũ Thị Thơ – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho hay: “Nhà trường có 41 lớp ở 5 khối thì trung bình mỗi khối có khoảng 2 lớp gắn máy lạnh.

 Cha mẹ muốn tạo điều kiện cho các em học sinh thì nhà trường cũng phải tôn trọng chứ đâu có quyền ngăn cản”. Một phụ huynh của trường THCS Chu Văn An (Q.1) cho biết: “Không chỉ nghỉ trưa mà ngay trong giờ học các cháu cũng hoàn toàn sử dụng máy lạnh”. Trong khi đó, trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền và Phan Văn Hân (Q.3) có 100% phòng học được gắn máy lạnh.

Ông Nguyễn Đạt Sử – Hiệu phó trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ khi nào họp là phụ huynh lại đề xuất được ráp máy lạnh cho phòng học của con em mình. Có những phụ huynh còn chủ động tặng máy mà không cần đến sự đóng góp của những phụ huynh khác”. Ông Lý Văn Huệ – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1), cũng thông tin: “Trường có gần 40 lớp thì 100% đều sử dụng máy lạnh“.

Với nhiều phụ huynh, điều kiện học tập trong phòng máy lạnh là một trong những tiêu chí lựa chọn trường cho con em. Chẳng hạn trường Mầm non Sân Lá Cọ (Q.3) khi nói về cơ sở vật chất của trường đã dành nguyên một mục để giới thiệu về máy lạnh. Tình hình tương tự ở các trường quốc tế ACG, TIS… Chị Hồ Ngọc Anh – phụ huynh học sinh ở Q.3, cho hay: “Do thời tiết nóng quá nên khi thấy trường học có gắn máy lạnh thì mừng vì nghĩ rằng con mình sẽ mát mẻ”. Bà Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng Giáo dục Q.5, kể lại: “Có nhiều phụ huynh xin vào các trường mầm non (chuẩn) học, sau vài ngày, họ phản ánh: trường không có máy lạnh và xin cho con thôi học”.

Chưa lưu ý yếu tố kỹ thuật

Do đây là nhu cầu xuất phát từ phía phụ huynh học sinh nên từ trước đến nay việc lắp đặt máy lạnh mang tính tự phát, phần nhiều chưa chú ý đến yếu tố kỹ thuật. Đề cập vấn đề này, ông Hoàng Trọng Hùng Dũng – Hiệu phó trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3), xác nhận: “Khi phụ huynh cho người đến ráp máy lạnh, nhà trường chỉ hướng dẫn lắp đặt chỗ nào cho thuận tiện chứ thật tình không tìm hiểu kỹ về quy định thông gió và đều không có quạt hút”. Nhiều trường khác có sử dụng máy lạnh cũng không lưu ý nhiều đến các yếu tố kỹ thuật.

Về việc này, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phụ trách y tế của Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Từ trước đến nay, quy định về phòng học không có đề cập đến chuyện lắp đặt máy lạnh. Vài năm trở lại đây, nhu cầu trường học sử dụng máy lạnh ngày càng nhiều nên sắp tới Sở sẽ tổ chức hội thảo và định hướng cụ thể cho các trường sao cho đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, trong phòng chống dịch, chúng tôi không khuyến khích các trường sử dụng vì mở cửa thông thoáng, ánh sáng chiếu vào phòng học rất tốt cho học sinh tránh được việc tích tụ nấm mốc…”.

Lợi bất cập hại

Trên thực tế, học tập và sinh hoạt thường xuyên trong môi trường máy lạnh dễ sinh ra nhiều chứng bệnh. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như – khoa Tai – mũi – họng – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đưa ra các biện pháp khắc phục. Bác sĩ cho biết: “Để phòng chống các loại bệnh tật trong môi trường máy lạnh cho học sinh, cần đảm bảo các yếu tố như thiết kế phòng phải đảm bảo tiêu chuẩn thông khí. Hiện nay, nhiều trường học thường bỏ qua hoặc do cơ sở vật chất cũ khi cải tạo lại nên không quan tâm về vấn đề này. Mặt khác, trong một khoảng thời gian nào đó cần cho nắng rọi vào để diệt các vi nấm trên bề mặt sàn phòng. Cần vệ sinh máy lạnh định kỳ bởi máy lạnh sẽ là nơi tích tụ nấm mốc, bụi bẩn, khi mở sẽ thổi bụi, vi nấm vào trong phòng, dễ gây bệnh. Mặt khác, cần lau sàn nhà bằng nước sát khuẩn để giữ vệ sinh. Đối với trẻ em, chúng ta nên để ở nhiệt độ từ 26-27 độ C”.

Leave a Comment

All in one
Scroll to Top