Có một thực tế rất phổ biến hiện nay là những người tìm việc thường gia nhập vào các tổ chức mà không có cái nhìn thấu đáo về văn hóa doanh nghiệp, sau đó lại ra đi trong thất vọng hoặc mất điểm khi đến phỏng vấn. Khi đánh giá công việc, hãy chắc chắn bạn có bỏ thời gian để tìm hiểu yếu tố văn hóa.
Nắm rõ những đích ngắm của doanh nghiệp, đó không chỉ những việc họ nói mình đang làm mà còn là quy trình ra quyết định dựa trên những mục tiêu ra sao, cũng như điều gì khiến họ cảm thấy tự hào. Hiểu cách doanh nghiệp hoạt động, đơn cử như, xem xét hiệu quả đầu ra được đánh giá quan trọng thế nào, tổ chức hoàn thành mọi thứ ra sao, vai trò đội nhóm, chất lượng con người, cách thức mọi người kết nối với nhau, và các vấn đề liên quan đến đạo đức.
Tuy nhiên những vấn đề đạo đức không có một chuẩn mực nào về thứ được đánh giá cao nhất trong văn hóa doanh nghiệp. Những mục đích và điểm đặc trưng của mỗi doanh nghiệp có thể trở nên hấp dẫn hoặc không phù hợp trong mắt từng cá nhân khác nhau. Sau khi hiểu được quy luật vận hành, hãy xem xét liệu nó có phù hợp với mục tiêu cá nhân của bạn hay không. Chỉ khi câu trả lời là có, bạn mới có thể khởi phát sự đam mê nhiệt huyết của mình. Đó cũng là cách để bạn ghi điểm khi được họ mời đi phỏng vấn.
Để tạo được ấn tượng từ phía doanh nghiệp bạn nên đọc tất cả những thứ bạn có thể tìm về tổ chức đó, nhưng hãy đọc bằng con mắt phân tích và gạn lọc. Các công ty thường có những ấn phẩm chính thức và họ thường đề cập đến tiêu chí văn hóa trong những sản phẩm đọc của mình, tuy nhiên những tài liệu này thường được viết dựa trên mục đích định sẵn. Trong khi đó, những người viết độc lập lại có góc nhìn khách quan. Họ có quan điểm phê bình nhiều hơn nhưng lại có thể bỏ qua các chi tiết và nhìn nhận sai lệch.
Ngoài ra hãy thảo luận về văn hóa với những người trong tổ chức đó. Ngoài việc nói chuyện với những người trực tiếp phỏng vấn, hãy học hỏi nhiều hơn từ những nhân viên khác không liên quan gì tới quy trình tuyển dụng của bạn. Đồng thời gặp gỡ, chia sẻ với những người bên ngoài doanh nghiệp nhưng vẫn có thông tin bạn cần như các khách hàng, nhà cung ứng, đối tác, cũng như cựu nhân viên. Những kinh nghiệm khác nhau khi ở trong tổ chức sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của họ, do đó hãy hỏi họ về những tình huống họ thực sự thấy văn hóa doanh nghiệp hiện diện.
Thực sự khó để có thể tìm hiểu về văn hóa ngay từ những bước đầu khi bạn tìm việc. Nhưng sự thôi thúc học hỏi và quan tâm tới sự nghiệp sẽ dẫn bạn đến đúng những nơi phù hợp. Bởi văn hóa có thể xuất hiện ngay trong các buổi phỏng vấn, mặc dù việc tìm hiểu này sẽ rất phức tạp trong thời điểm bạn đang cố quảng cáo bản thân. Mọi người đôi khi lo lắng rằng bàn luận về văn hóa có thể khiến người khác cảm thấy không thoải mái và do đó, khiến cơ hội làm việc của mình gặp rủi ro. Nhưng thực sự, vấn đề văn hóa không hề ngoài lề và nó rất cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Dù trong cuộc phỏng vấn hay sau khi nhận được thư mời việc, bạn sẽ cảm thấy mình phát huy được hết khả năng một khi đã hiểu rõ về tổ chức cũng như nhận thức được quan điểm của người chủ doanh nghiệp, từ đó bắt đầu xác định làm cách nào để thành công tại đây. Những câu hỏi về văn hóa doanh nghiệp có thể đưa bạn đến với những kết quả tốt đẹp.
Chính vì vậy ngay từ bây giờ, hãy để tâm tới “văn hóa doanh nghiệp” khi bạn có ý định tìm kiếm một bến đỗ trong công việc. Bởi nó thật sự tốt cho bạn, và giúp bạn rất nhiều về sau.