Bí quyết đông lạnh thực phẩm

Bí quyết đông lạnh thực phẩm

Cho dù bạn sử dụng tủ đông lạnh hay tủ đông lạnh kiểu đứng, thì các nguyên tắc để thành công trong việc đông lạnh là như nhau.

Dưới đây là mười lời khuyên về việc đông lạnh thực phẩm:

  1. Làm nguội thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Nếu bạn cho thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh thì nhiệt độ trong tủ lạnh sẽ tăng lên và có thể khiến các loại thực phẩm khác bị rã đông.
  2. Không bao giờ tái đông bất kỳ thực phẩm nào đã được rã đông. Ngay cả khi đó chỉ là nguyên liệu và sau khi rã đông đã được nấu chín, thì để an toàn, bạn cũng không nên tái đông món ăn đó.
  3. Một chiếc tủ lạnh chứa đầy thực phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn do khí lạnh không phải luân chuyển nhiều giữa các khoảng trống trong tủ, vì vậy sẽ tiết kiệm điện hơn. Nếu tủ lạnh của bạn có nhiều chỗ trống, hãy đổ nước vào ½ chai nhựa và cho chúng vào tủ lạnh để lấp đầy khoảng trống. Ngoài ra, hãy cho vào tủ đông các thực phẩm sử dụng hàng ngày, ví dụ như bánh mì lát hoặc đậu Hà Lan đông lạnh.
  4. Hãy sử dụng màng bọc thực phẩm. Bạn nên bọc thực phẩm đúng cách hoặc cho thực phẩm vào hộp/bình kín, nếu không thực phẩm có thể bị “bỏng lạnh”. Tình trạng “bỏng lạnh” xảy ra khi thực phẩm tiếp xúc với đá và luồng khí lạnh, hiện tượng này không nguy hiểm đối với thực phẩm mà chỉ ảnh hưởng đến kết cấu của thực phẩm.
  5. Chia nhỏ thực phẩm. Trước khi đông lạnh, bạn nên chia thực phẩm theo khẩu phần của gia đình bạn. Bạn không muốn phải rã đông một món hầm đủ cho tám người ăn trong khi gia đình bạn chỉ có ba thành viên đúng không?
  6. Nếu có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, hãy bỏ nó đi. Trái với những gì nhiều người nghĩ, việc đông lạnh không tiêu diệt vi khuẩn trong thực phẩm. Nếu bạn không chắc chắn về thời gian đông lạnh của thực phẩm hoặc có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm sau khi rã đông, bạn không nên liều lĩnh sử dụng thực phẩm đó.
  7. Hãy đông lạnh thực phẩm tươi. Việc đông lạnh sẽ không làm tăng chất lượng thực phẩm của bạn. Vì vậy, đừng đông lạnh thực phẩm không còn tươi chỉ vì bạn không muốn lãng phí nó, điểm cốt lõi của việc đông lạnh là để giữ nguyên mùi vị và chất lượng thực phẩm.
  8. Dán nhãn cho từng loại thực phẩm. Việc này có vẻ rất phiền toái đối với bạn, nhưng nếu bạn không dán nhãn cho thực phẩm, bạn sẽ không nhớ nổi đó là loại thực phẩm gì sau khi chúng đã đông lạnh. Hãy dùng một chiếc bút viết bảng màu xanh để đánh dấu thực phẩm sống và một chiếc bút viết bảng màu đỏ đối với thực phẩm đã nấu chín. Bạn không cần phải đánh dấu quá chi tiết, chỉ cần ghi nhãn thực phẩm rõ ràng. Bạn có thể dùng chữ viết tắt, ví dụ như chữ H màu đỏ có nghĩa là thịt heo đã nấu chín hoặc chữ C màu xanh có nghĩa là cá sống. Và hãy nhớ rằng luôn luôn ghi thêm ngày mà thực phẩm đó được cho vào tủ đông.
  9. Xả tủ đông là việc cần làm. Một chiếc tủ đông bị đóng đá sẽ làm giảm hiệu quả giữ đông lạnh thực phẩm, vì vậy bạn nên xả tủ đông để tránh việc tích tụ đá trong tủ. Bạn không cần phải lo lắng về thực phẩm; hầu hết mọi thực phẩm sẽ vẫn đông lạnh trong tủ trong một vài giờ khi xả tủ.
  10. Trong trường hợp khẩn cấp… Nếu bị mất điện hoặc bạn cho rằng tủ đông không hoạt động trong một khoảng thời gian, thì bạn không nên mở tủ ra. Thực phẩm vẫn sẽ được giữ đông lạnh trong khoảng 24 giờ, trong khoảng thời gian này, bạn có thể giải quyết tận gốc vấn đề tủ đông bị ngắt điện

Những thực phẩm không nên giữ đông lạnh…

Hầu hết các nguyên liệu thực phẩm riêng biệt đều có thể giữ đông lạnh, và tất cả các công thức nấu ăn trên trang web BBCgoodfood đều có hướng dẫn đông lạnh thực phẩm. Tuy nhiên, một số thực phẩm sẽ biến đổi sau khi đông lạnh:

  • Vỏ trứng sống sẽ bị nứt.
  • Trứng luộc chín sẽ bị dai.
  • Các loại rau có hàm lượng nước cao, như rau diếp, dưa chuột, giá đỗ và củ cải, sẽ bị mềm và héo rũ.
  • Các loại rau gia vị thân mềm, như rau mùi tây, húng quế và hẹ sẽ bị úa.
  • Các loại nước sốt làm từ trứng, như sốt mayonnaise, sẽ bị vữa và vón cục.
  • Sữa chua thường, pho mát kem ít béo, kem và phô mai làm từ sữa tách kem sẽ bị tách nước.

Những thực phẩm cần được giữ trong tủ lạnh

Tất cả những nguyên liệu dùng hàng ngày nên được giữ trong ngăn đá.

  • Bơ và bơ thực vật có thể giữ được đến 3 tháng trong ngăn đá.
  • Pho mát bào có thể giữ được đến 4 tháng trong ngăn đá và có thể sử dụng được ngay khi lấy ra ngoài.
  • Hầu hết các loại bánh mì, trừ các loại bánh mỳ giòn như bánh mì Pháp, có thể giữ được đến 3 tháng trong ngăn đá. Bánh mì cắt lát có thể nướng được ngay khi lấy ra ngoài.
  • Sữa có thể giữ được đến 1 tháng trong ngăn đá. Rã đông sữa trong ngăn mát và lắc đều trước khi sử dụng.
  • Bột bánh ngọt có thể giữ được đến 6 tháng trong ngăn đá và chỉ mất 1 giờ để rã đông.

Nấu thực phẩm đông lạnh

Khi cần chế biến thực phẩm đông lạnh, bạn nên có kế hoạch về việc rã đông chúng, tuy nhiên, một số thực phẩm có thể chế biến ngay khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh. Khi nấu những  thực phẩm này, bạn nên sử dụng nhiệt độ thấp để làm tan đông, sau đó tăng dần nhiệt độ. Các món ăn có thể chế biến từ thực phẩm đông lạnh:

  • Xúp, món hầm, món om và món nấu bằng nồi đất.
  • Món nướng, các món bỏ lò và bánh phủ khoai tây.
  • Philê cá miếng mỏng, các loại cá nhỏ, xúc xích, bánh burger và hải sản, nếu được dùng sau một món nóng.

Các loại thực phẩm không nên chế biến khi còn đông lạnh:

Thịt gia cầm sống, các miếng thịt lớn có sụn, khớp nối.

Giữ các loại rau củ được tươi ngon

Đông lạnh là cách tốt nhất để dự trữ các loại rau chính vụ. Khi được đông lạnh đúng cách, mùi vị và chất dinh dưỡng trong rau củ sẽ được giữ lại. Phương pháp đông lạnh rau củ tốt nhất chính là phương pháp được áp dụng để đông lạnh đậu Hà Lan, măng tây và bông cải xanh (súp-lơ xanh).

Luộc rau củ trong một nồi nước sôi lớn khoảng 30 giây sẽ giúp rau củ không bị chuyển sang màu nâu khi đông lạnh. Sau đó, bạn hãy dùng một chiếc muôi lỗ để vớt rau củ sang một bát nước đá lạnh. Khi rau củ đã được ướp lạnh, hãy trải đều rau củ lên một chiếc khay được lót bằng giấy thấm nước. Cho khay rau củ vào tủ lạnh rồi sau đó cho vào túi giữ đông. Khi cần dùng, bạn hãy nấu rau đông lạnh trong một nồi nước sôi lớn chứ không nên hấp chúng, vì khi đó rau củ sẽ bị nồng.

Và cuối cùng…

Đừng lo lắng nếu chẳng may bạn bị dính kẹo cao su vào quần áo! Bạn hãy cho chúng vào tủ lạnh cho đến khi kẹo cao su cứng lại, và sau đó chỉ cần kéo nó ra.

Leave a Comment

All in one
Scroll to Top