Thị trường Kho lạnh vẫn nóng

Hướng dẫn sử dụng kho lạnh đúng cách

Sự phục hồi của nền kinh tế và tăng trưởng xuất nhập khẩu khiến cho nhu cầu về dịch vụ kho lạnh được dự báo sẽ ngày càng tăng nhiệt.

Nhu cầu vẫn lớn

Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,2 tỉ USD, chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam và mức này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay. Trên cơ sở đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định, nhu cầu về kho lạnh phục vụ các mặt hàng xuất khẩu vẫn còn khá lớn.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Tấn Sĩ, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Khu Công nghiệp Long Hậu (Long An), cho biết thêm, ngoài ngành thủy sản, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây và rau quả Việt Nam cũng là khách hàng tiềm năng đối với dịch vụ cung cấp kho lạnh cấp đông, nhất là sau khi các rào cản xuất khẩu vào Mỹ và Nhật, 2 thị trường lớn của mặt hàng này, đang dần được dỡ bỏ.

Dẫn chứng cho điều này, ông Sĩ cho biết, Khu Công nghiệp Long Hậu có 2 doanh nghiệp đã đầu tư vào kho lạnh với công suất 25.000 tấn/năm là Công ty Lotte Sea Logistics (liên doanh giữa Hàn Quốc và Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cà Mau) và Công ty Anpha AG. Kho lạnh Lotte Sea Logistics đã hoạt động từ tháng 8.2009, còn Anpha AG là từ tháng 11.2009. Cả 2 đang hoạt động với 80% công suất.

Theo thống kê không chính thức từ ông Hòe, VASEP, hệ thống kho lạnh ở Việt Nam được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là hệ thống kho dùng cho mục đích thương mại của khoảng vài chục công ty trong và ngoài nước như cho thuê để trữ hàng xuất nhập khẩu, tổng công suất hơn 200.000 tấn/năm. Các kho này thường có vốn đầu tư lớn với trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Nhóm còn lại gồm hệ thống kho lạnh của các công ty, xí nghiệp với công suất mỗi kho chỉ khoảng vài ngàn tấn/năm, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của chính các đơn vị này.

Ông Hòe cũng lưu ý các nhà đầu tư kho lạnh trong năm 2010, cần quan tâm đến một số yếu tố như mùa vụ thủy sản, doanh số xuất khẩu của từng công ty cũng như chính sách xuất nhập khẩu của Nhà nước nhằm hạn chế rủi ro và đón đầu thời cơ kinh doanh những năm tới.

Có lãi sau vài năm?

Ông Winston A. Barrie, Tổng Giám đốc kho lạnh của Công ty Preferred Freezer Services – PFS (Mỹ) vừa được đưa vào hoạt động tại quận 7, TP.HCM từ ngày 1.4.2010, cho biết: “Việt Nam xuất khẩu thủy sản đến 120 nước với kim ngạch có thể lên đến 4,5 tỉ USD mỗi năm trong 3 năm tới. PFS không thể bỏ qua tiềm năng to lớn này”.

Hiện nay, PFS đã đầu tư xây dựng 2 kho lạnh tại Trung Quốc, 1 tại Thượng Hải và 1 tại Thẩm Quyến, dự kiến hoạt động trong năm 2011. Ông Winston còn cho biết sẽ đầu tư xây dựng thêm kho lạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn… trong vòng 3-5 năm tới.

Đề cập đến bài toán hiệu quả kinh doanh, đại diện của PFS phân tích: “Đây là mô hình đầu tư lâu dài với chi phí ban đầu khá nhiều (khoảng 22 triệu USD/kho với PFS). Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến có thể hòa vốn sau 3-5 năm và bắt đầu có lãi với điều kiện công suất hàng hóa trữ lạnh đạt mức trung bình từ 60-65% trở lên cùng giá dịch vụ cao (không cho biết cụ thể giá dịch vụ). Nếu chúng tôi hạ giá liên tục để cạnh tranh thì tỉ lệ trữ lạnh phải đến khoảng 80% mới mong hòa vốn”.

Xem thêm : Dàn lạnh công nghiệp

All in one
Scroll to Top