Chất lượng nước làm đá phải đạt 40 tiêu chí về kim loại nặng, thành phẩm đá phải đạt 22 tiêu chí, trong đó có 6 tiểu chiêu về vi sinh vật thì mới được Sở Y tế cấp giấy đạt chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, theo BS Hàn Tự Do, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì ngay tại các cơ sở được cấp giấy chứng nhận thì chất lượng đá vẫn có sự khác biệt, bởi có cơ sở đạt ngưỡng tối thiểu, có cơ sở đạt ngưỡng tối đa, thậm chí đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, với các cơ sở sản xuất gia công, chất lượng càng không được đảm bảo.
Nhưng làm sao thể phân biệt giữa đá viên và đá viên tinh khiết? Ông Nguyễn Bằng Việt, Giám đốc Cty Cp Thiết bị nước Việt Nam và Ông Vũ Quốc Hưng, Giám đốc Cty cổ phần Thủy Tạ khẳng định rằng có thể phân biệt đá viên tinh khiết pha lê thứ thiệt và đá viên thủ công nếu chịu khó để ý một chút:
– Đá viên bình thường khi tan hết để lại cặn, vẩn đục. Đá viên tinh khiết cho vào cốc nước vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia. Khi tan hết, nước trong như nước khoáng.
– Đá viên tinh khiết lâu tan chảy gáp 4 – 5 lần so với đá viên gia công.
– Đá viên tinh khiết đóng túi có địa chỉ sản xuất, đăng ký bản quyền, tên cơ sở sản xuất. Đá được đóng trong túi nilon sạch, mép túi lành lặn.
Tuy nhiên, trong khi việc quản lý các cơ sở sản xuất đá viên thủ công gần như không thể kiểm soát, cộng với giá cả chênh lệch khá lớn so với đá viên tinh khiết (1000 – 2000đồng/kg), đá viên “bẩn” chắc chắc vẫn có chỗ đứng trên thị trường khi mà chỉ riêng Hà Nội mỗi ngày cần không dưới 120 tấn đá viên.
Do vậy, vấn đề là người dân nên tự có ý thức bảo vệ sức khoẻ của mình, lựa chọn dùng đá viên tinh khiết của những cơ sở được công bố chất lượng và thường xuyên được giám sát chặt chẽ.