Lắp đặt thiết bị ngưng tụ, thiết bị bay hơi đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để hệ thống đạt được hiệu quả làm việc tối ưu nhất.
Hiện nay, trong rất nhiều ngành công nghiệp, hệ thống lạnh được lắp đặt và sử dụng với các mục đích đa dạng. Hệ thống này đem đến cho người sử dụng hiệu quả tối ưu trong việc điều hòa không khí, bảo quản sản phẩm, … với chi phí tiết kiệm.
Để đảm bảo hệ thống lạnh có thể phát huy được công dụng một cách hiệu quả nhất, các thiết bị trong hệ thống phải được lắp đặt một cách chính xác, chuyên nghiệp và đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật. Các yêu cầu trong lắp đặt không chỉ áp dụng riêng cho lắp đặt máy nén – bộ phận quan trọng nhất của hệ thống mà từng thiết bị và hệ thống phụ trợ khác cũng có những tiêu chuẩn riêng của nó.
Trong mỗi một hệ thống, tùy thuộc vào điều kiện lắp đặt, mục đích sử dụng,… hệ thống lạnh sử dụng thiết bị phụ trợ đến từ những thương hiệu khác nhau, đồng thời, hình dạng, kích thước, công suất, số lượng cũng có sự khác biệt. Chính vì vậy, trong nội dung về cách lắp đặt các thiết bị phụ trợ lần này chỉ đề cập đến một số loại tiêu biều, có tính đại diện, những thiết bị khác có thể tham khảo theo.
Lắp đặt thiết bị ngưng tụ, thiết bị bay hơi
Lắp đặt thiết bị ngưng tụ
Thiết bị ngưng tụ có nhiệm vụ ngưng tụ gas quá nhiệt sau máy nén thành môi chất lạnh trạng thái lỏng. Quá trình làm việc của thiết bị ngưng tụ có ảnh hưởng quyết định đến áp suất và nhiệt độ ngưng tụ và do đó ảnh hưởng đến hiệu quả và độ an toàn làm việc của toàn hệ thống lạnh.
Người thiết kế và lắp đặt hệ thống lạnh cần nắm được vị trí và yêu cầu lắp đặt riêng của từng loại thiết bị.
- Thiết bị ngưng tụ ống chùm vỏ bọc nằm ngang: có thể lắp đặt ngay trong phòng máy; khi lắp đặt bảo đảm đường tâm của thiết bị nằm ngang hoặc độ nghiêng 0.5 mm trên 1m chiều dài về phía bình phân ly đầu; vị trí lắp đặt cần đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các hệ thống, thiết bị khác hoặc với tường bao.
- Thiết bị ngưng tụ bay hơi: lắp đặt bên ngoài phòng máy, có thể sử dụng hoặc không sử dụng mái che.
- Thiết bị ngưng tụ không khí đối lưu cưỡng bức: hiếm gặp trong hệ thống lạnh công nghiệp, lắp đặt theo những tiêu chuẩn và quy tắc an toàn được nhà sản xuất khuyến cáo
Sau khi lắp ráp cần tiến hành thử bền, thử kín riêng lẻ để kiểm tra khả năng vận hành, hoạt động và đảm bảo yếu tố an toàn cho người sử dụng và hệ thống thiết bị.
Lắp đặt thiết bị bay hơi
Thiết bị bay hơi trong hệ thống lạnh có nhiệm vụ hoá hơi gas bão hoà ẩm sau tiết lưu đồng thời làm lạnh môi trường cần làm lạnh. Quá trình làm việc của bình bay hơi ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm lạnh của cả hệ thống công nghiệp.
Tương tự thiết bị ngưng tụ, từng loại thiết bị bay hơi có những yêu cầu khác nhau trong lắp đặt.
- Thiết bị bay hơi ống chùm vỏ bọc nằm ngang: lắp đặt tương tự với bình ngưng cùng loại; phải lót thiết bị bằng gỗ để tránh cầu nhiệt; bọc cách nhiệt và cách ẩm bên ngoài thiết bị. Sau khi lắp đặt, tiến hành thử bền thử kín theo đúng nguyên tắc nhưng cần sử dụng áp suất thấp hơn bình ngưng.
- Thiết bị bay hơi kho lạnh cần lắp ráp đúng theo quy định để đảm bảo không khí đối lưu được tốt.
- Thiết bị bay hơi kiểu xương cá: được sử dụng cho các hầm sản xuất nước đá cây có công suât và khối lượng lớn; khi lắp đặt vào bể sát cần phải sử dụng các dụng cụ để nâng hạ và có ký thuật lắp đặc biệt để đảm bảo hoạt động tháo dầu dễ dàng.
Lắp đặt các loại bình chứa
- Bình chứa cao áp, bình chứa tuần hoàn: lắp đặt trong phòng cùng máy nén và các thiết bị khác; những bình lắp trên mặt đất phải đảm bảo thiết bị được đặt trên bệ bê tông, mặt bằng lắp đặt chắc chắn.
- Bình chứa cao áp lắp đặt thấp hơn đáy của thiết bị bình ngưng, giữ cho khoảng cách của thiết bị với những vật khác ở xung quanh đủ không gian hoạt động và đáp ứng các nguyên tắc an toàn
- Bình chứa tuần hoàn cần có tác nhân lỏng trong bình luôn ở mức 1.25 – 1.50m cao hơn so với trục bơm. Thiết bị cần được bọc đầy đủ các lớp cách nhiệt và cách ẩm.
Bên cạnh các thiết bị trên, hệ thống lạnh còn bao gồm nhiều loại thiết bị và hệ thống hỗ trợ khác. Trong nội dung bài chỉ đề cập những loại thiết bị tiêu biểu nhất. Để có thể biết được chính xác các quy định và yêu cầu trong lắp đặt cần nghiên cứu , tham khảo bản vẽ thiết kế hướng dẫn từ phía người thiết kế hệ thống và nhà sản xuất.
Khi bạn lắp đặt các thiết bị hỗ trợ một cách chính xác, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đây trước hết sẽ là điều kiện để các thiết bị này có thể vận hành hiệu quả đáp ứng đúng nhu cầu của người sử dụng. Hơn thế, các thiết bị này lại là một phần không thể thiếu trong hệ thống. Các thiết bị được lắp đặt chính xác có thể phối hợp với nhau dễ dàng, chính xác, đem lại kết quả vận hành và hoạt động tốt hơn.